Xem mẫu

  1. Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng Hơn 70 doanh nghiệp thuộc CLB doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khu vực miền Bắc đã ngồi dự suốt buổi hội thảo Xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại khách sạn Hà Nội Daewoo vào ngày 8.9.2009. Kinh nghiệm từ chuyên gia Ông Lâm Văn Hải, phó tổng giám đốc PepsiCo Việt Nam, diễn giả chính của hội thảo với hơn 17 năm kinh nghiệm trong nghề “sale” tại các công ty đa quốc gia, đã chia sẻ tận tình các bí quyết xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, qua phần trình bày được chuẩn bị công phu, thuyết phục từ những thông tin cập nhật mới nhất về thị trường Việt Nam và khu vực trong năm 2008 và 2009. Theo ông Hải, người bán hàng chuyên nghiệp đóng góp rất lớn trong sự phát triển vững mạnh cho doanh nghiệp. Ông dẫn chứng, c ùng một địa bàn, cùng một môi trường kinh doanh, cùng một chính sách, một mặt hàng nhưng hai con người khác nhau có thể tạo ra hiệu quả doanh số bán hàng khác nhau. Một đội ngũ bán hàng hội đủ 3 chữ T (tâm huyết, tài năng, và tầm nhìn) vẫn chưa đủ, mà doanh nghiệp cần cung cấp cho họ một môi trường làm việc kết hợp đủ 4 R (Right People - Right Skills – Right Development - Right Pay: đúng người - đúng kỹ năng - phát triển đúng - trả lương đúng tầm) thì doanh nghiệp đó sẽ phát triển vững mạnh, và hạn chế được nhiều rủi ro trong kinh doanh. Chia sẻ từ những thực tiễn Gần 11 giờ trưa, buổi hội thảo trở nên sôi động với phần nêu vấn đề của từng doanh nghiệp. Bà Lê Thu, giám đốc kinh doanh của công ty Trung Thành khơi
  2. mào vấn đề: khai thác thị trường mới, vấn đề bộ máy bán hàng nghỉ việc, giám sát bán hàng thông đồng với nhà phân phối... Hay doanh nghiệp văn phòng phẩm Thiên Long với trăn trở việc xây dựng hệ thống bán lẻ; Traphaco với thắc mắc về biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong khâu bán hàng trực tiếp... Ông Lâm Văn Hải đã tháo gỡ từng vấn đề một, từ kinh nghiệm của bản thân và dẫn chứng sinh động cách giải quyết từ những câu chuyện rất thực tế. Như chuyện PepsiCo làm sao để thắng thầu cung cấp nước giải khát Pepsi và Aquafina cho Việt Nam Airlines. Theo ông, các công cụ giám sát quản lý nên áp dụng thống nhất xuyên suốt, nhất quán cho tất cả các vùng miền, để khi xảy ra rủi ro về nhân sự, công ty có thể điều động, chi viện cho các địa bàn và không rơi vào bế tắc. Cần khảo sát đo lường dung lượng của từng thị trường vùng miền để doanh nghiệp có cơ sở đánh giá nên hay chưa nên mở rộng thị trường… khi sức mình có hạn. Lập câu lạc bộ các giám đốc tiếp thị miền Bắc Tất cả những vướng mắc từ thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp nói trên đã có cơ hội được nêu ra rất thẳng thắn, dù chuyện này trước đây khó thể hiện ra bên ngoài, thậm chí ngay tại cuộc họp vẫn còn vài ý kiến: “Sao chuyện nhà mình lại nêu ra tuồn tuột thế kia?”. Ông Trần Quốc Việt, giám đốc công ty Kinh Đô miền Bắc nói, “Quả là có một nhu cầu rất thực, rất bức xúc của các doanh nghiệp miền Bắc muốn được các doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm thương trường của miền Nam chia sẻ, và họ vẫn chưa quen nói thật trong những hội nghị, hội thảo, hay các chương trình huấn luyện. Vì vậy CLB doanh nghiệp HVNCLC đã có những cách làm rất khác biệt, cần thiết cho doanh nghiệp". Theo ông Việt, mô hình này cần nhân rộng nhiều hơn nữa.
  3. Đây cũng là lý do thúc đẩy BSA mạnh dạn hình thành bộ phận chuyên trách phục vụ các doanh nghiệp tại miền Bắc, thành lập câu lạc bộ các giám đốc tiếp thị và ban điều hành CLB doanh nghiệp HVNCLC tại miền Bắc do ông Trần Quốc Việt làm trưởng ban. Nhân dịp này, báo SGTT đã thông tin về những nét mới của chương trình bình chọn HVNCLC 2010 cho các doanh nghiệp miền Bắc. Nguồn: Sài Gòn tiếp thị
nguon tai.lieu . vn