Xem mẫu

  1. BIỂU TƯỢNG “CON CÒ” TRONG CA DAO Đã từ lâu, hình ảnh con cò đã đi vào ca dao với tất cả vẻ đẹp của nó. Người lao động bình dân đã gửi gắm niềm vui, nỗi buồn, sự cực nhọc, vất vả, trong những cánh cò ca dao. Dường như thiếu những cánh cò ấy, ca dao sẽ nghèo đi biết mấy. Nhiếu bài ca dao mở đầu bằng hai tiếng con cò: “Con cò bay lả bay la” “Con cò bay bổng bay cao”, “Con cò lặn lội”, “Con cò trắng bạch như vôi”, “Con cò vàng”, “Con cò kì”, “Con cò quắm” v.v…Những con cò, cánh cò như in bóng trong suốt chiều dài của ca dao, Phải chăng, con cò là hình ảnh rất gần gũi với người nông dân hơn tất cả. Những lúc cày cấy ngoài đồng, người nông dân thường thấy con cò ở bên họ, con cò lội theo luống cày, con cò bay trên đồng lúa xanh xanh, con cò đi quanh quanh trên dòng sông con rạch … Và chẳng biết tự lúc nào, con cò đã len lỏi vào cảm xúc, tâm trí của người nông dân. Có lẽ chúng ta đều quen thuộc với câu ca dao: “Một đàn cò trắng bay tung Bên nam, bên nữ ta cùng hát lên!” hay câu:
  2. “Một đàn cò trắng bay quanh Cho loan nhớ phựong, cho mình nhớ ta.” Trai gái cùng nhau vất vả làm lụng nơi cánh đồng thửa ruộng, họ thân quen rồi đi đến thưong yêu, khi gần thì ấm áp, khi xa thì nhung nhớ. Cánh cò đã nâng cao và chuyên chở trái tim yêu thương của họ. Nhưng họ yêu nhau ước mơ rất nhiều mà nào dễ lấy được nhau, ngày nào còn xa nhau thì mọi tâm tình họ còn hướng về nhau quấn quít như những: “Cái cò, cái vạc, cái nông Cùng ăn một đồng, nói chuỵên giằng co Muối kia đổ ruột con gà Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình.” Người nông dân còn mượn hình ảnh con cò để miêu tả cảnh ngồi không biếng nhác của địa chủ: “ Cái cò lặn lội bờ ao… Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi không Chú tôi hay tửu hay tăm
  3. Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa Ngày thì ước những ngày mưa Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.” Chàng trai làng thấy cô nông thôn xinh đẹp “yếm đỏ” vừa đi qua, anh đã cất tiếng trêu đùa dí dỏm. Anh đã đưa ra hình ảnh một tên rượu chè be bét, lười lao động, thích hưởng lạc – một tên chắc chắn anh rất oán ghét – ướm hỏi chị và tất nhiên anh biết rằng chị cũng chẳng ưa gì tên địa chủ ấy. Anh nông dân ẩn thân kín đáo trong “cái cò lặn lội bờ ao”, tuy vất vả lam lũ nhưng lại hay lam hay làm…Bọn địa chủ luôn hiện lên trong ca dao với bản chất tham lam tàn ác: “Cái cò, cái vạc, cái nông Ba cái cùng béo, vặt lông con nào! Vặt lông cái vạc, cho tao! Hành, răm, nước mắm bỏ vào mà thuôn.” Cái cò, cái vạc, cái nông tiêu biểu cho người nông dân ở vùng nông thôn. Dưới con mắt của giai cấp phong kiến thì đều “béo” cả. Lần lượt sẽ sa vào tay chúng hành hạ. Một khi chúng muốn ức hiếp thì không cần một lí do chính đáng nào cả. Chúng chỉ cần một vài lời vu cáo vẩn vơ là đủ:
  4. “Cái cò, cái vạc, cái nông Sao mày giẫm lúa nhà ông, hỡi cò? Không, không, tôi đứng trên bờ Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi Chẳng tin thì ông đi đòi Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia.” Nhân dân thường lấy “cái cò” để nói về mình trong ca dao có thể đó là một số phận đáng thương: “Con cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Ông ơi ông vớt tôi nao Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng Có xáo thì xáo nước trong Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.” Mở đầu bài ca dao ta đã bắt gặp ngay một hình ảnh bất thường: con cò đi ăn đêm. Nó thường đi ăn ban ngày nhưng dường như ban chưa đủ nên mới “tăng ca” như thế. Và vì đi đêm, nó không quen, nên mới gặp tai nạn “Đậu phải cành mềm” và “lộn cổ xuống ao” như một tất yếu. Lời van xin khẩn thiết của nó vang lên một cách đau lòng, xin “ông vớt tôi”
  5. lên. Bản năng sinh tồn hay chính lòng ham sống, sống để nuôi con đã giúp cò cất tiếng van xin cứu vớt. Có lẽ cả hai. Đứng trước cái chết, cò mong được sống cũng là lẽ thường tình. Nhưng tại sao con cò lại thề thốt “Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng”. Thì ra, con cò đang phân trần rằng nó không hề có “lòng nào” là không hề có ý gian tham dối trá. Lần thứ 2 cò lên tiếng mong được chết trong sạch “Có xáo thì xáo nước trong”, bởi cò lại sợ “xáo nước đục” sẽ “đau lòng cò con”. Trong giây phút “thập tử nhất sinh”, con cò dự cảm mình khi lọt vào tay “ông” thì khó mà được sống. Chỉ còn một điều tha thiết là được chết trong danh dự để “cò con” không đau đớn lòng. Đó là một sự lựa chọn đầy đau đớn, bi kịch nhưng rất đẹp, rất nhân văn. “Cò con” cuối bài ca dao có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là con của con cò, nghĩa thứ hai là chính bản thân con cò nạn nhân đó, nó tự xưng là “cò- con”. Nhiều người cho rằng hiểu theo nghĩa thứ nhất thì hợp lý hơn bởi nếu chết trong “nước đục”, cò con sẽ đau đớn, hổ thẹn vì mẹ nó! Tuy vậy, dù hiểu theo nghĩa nào thì chúng ta vẫn cảm nhận được cảnh ngộ và phẩm chất đáng quí của cò. Số phận nghèo nàn cơ cực nhưng lòng dạ trung thực sáng ngời của người lao động bình dân theo triết lí sống đẹp “Chết vinh còn hơn sống nhục” Trong ca dao, hình ảnh con cò còn mang biểu tượng người phụ nữ :
  6. “Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.” Nhân dân lao động thật có sự liên tưởng quá bất ngờ. Con cò được nhân hóa làm nổi bật lên vẻ tần tảo hy sinh của người phụ nữ trước đây. Từ “lặn lội” gợi lên sự “thầm lặng chịu khó chịu thương nuôi chồng”, việc buôn bán nắng mưa dãi dầu, lời ra tiếng vào, cò kè nơi mua bán chị phụ nữ nào hé răng than vãn, chỉ chọn nơi vắng vẻ người qua lại khóc lóc một hồi cho vơi bớt đắng cay chịu đựng. Hình ảnh này đã từng được Tú Xương vận dụng trong bài thơ “Thương vợ” rất thành công: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” Mượn một biểu tượng của ca dao để bày tỏ lòng biết ơn trước nỗi vất vả cơ cực của bà Tú, Tú Xương chỉ thay một chữ “con” thành “thân” mà làm sáng cả bài thơ. Biết bao nỗi niềm của Tú Xương được gửi gắm trong hai chữ “ thân cò” ấy! Kết luận: Một cánh cò thôi mà bay khắp mọi miền đất nước, xuyên thấu mọi thời gian, cánh cò “bay lả bay la”, “bay bổng bay cao” từ chiều sâu quá khứ đến chiều dài hôm nay - ngày mai, cánh cò bay vào lời ru của mẹ, lời dạy của cô, lời tâm sự bạn bè:
  7. “Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên! Cho cò trắng đến làm quen Cò đứng ở quanh nơi Rồi cò vào trong tổ Con ngủ yên thì cò cũng ngủ Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi…” (“Con cò” – Chế Lan Viên)
nguon tai.lieu . vn