Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 BÁO CHÍ: TẠI SAO KHÔNG LÀ NGUỒN TÀI LIỆU HỖ TRỢ TRONG VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH? NEWSPAPERS: WHY NOT A SUPLEMENTARY RESOURCE IN THE TEACHING AND LEARNING OF ENGLISH? Nguyễn Thị Hồng Hoa Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Báo chí từ lâu là nguồn tư liệu giảng dạy rất tốt trong lớp học. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiềm tàng của báo chí vẫn chưa được xem xét đầy đủ trong việc dạy và học tiếng Anh. Bài báo được thực hiện nhằm nâng cao ý thức sử dụng báo chí như một phương tiện hỗ trợ với hy vọng rằng nếu báo chí được đưa vào giảng dạy trong lớp học chắc chắn sẽ tạo ra bầu không khí học tập sôi động hơn và tính hiệu quả sử dụng ngôn ngữ cao hơn. Ngoài ra, người viết cũng trình bày một số gợi ý về cách tổ chức hoạt động khi sử dụng báo chí để phát triển các kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên ở khoa tiếng Anh, trường Đại Học Ngoại Ngữ Đà Nẵng. ABSTRACT The newspaper has long been an excellent teaching resource for lessons in the classroom. However, the potential influence of the newspaper has not yet been fully considered in the teaching and learning of English. This article is aimed to raise awareness of using newspapers as supplementary resources in foreign language teaching. It is hoped that newspapers, if brought into the classroom, will certainly create a more exciting learning atmosphere and high effectiveness in language manipulation. Besides, this paper gives some suggestions on the ways to use newspapers for improving students’ English skills at the Department of English, Danang College of Foreign Languages. 1. Mở đầu Trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, báo chí đóng một vai trò hết sức quan trọng ở mọi mặt của cuộc sống con người. Điều đó cũng không loại trừ lĩnh vực giáo dục mà đặc biệt là việc dạy và học ngoại ngữ. Bên cạnh tính xác thực, theo Jean Benish Potter [1], báo chí còn là một trong những công cụ dạy học rẻ tiền và đa dạng nhất. Không chỉ báo chí là kinh tế và dễ tìm kiếm, nó còn cung cấp một nguồn ngữ cảnh phong phú cho việc dạy và học ngoại ngữ. Việc sử dụng các sự việc đang xảy ra xung quanh ta và chuyển chúng thành tư liệu giảng dạy làm cho việc học ngoại ngữ trở nên ý nghĩa và thiết thực hơn. 2. Tại sao báo chí được xem như là một nguồn tài liệu hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ? Paul Sanderson [2] đã đề cập đến nhiều lý do để sử dụng báo chí trong lớp học. Trong đó, chúng ta cần nhấn mạnh những điểm chính sau. Thứ nhất, báo chí cung cấp những đề tài đa dang và phong phú thu hút được sự quan tâm chú ý của mọi người. Những sự việc có thật trong cuộc sống hằng ngày ít 79
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 nhiều cũng gây nên sự tò mò tìm hiểu về thế giới xung quanh đã thật sự là một động lực tốt cho việc học ngoại ngữ. Thứ hai, về mặt ngữ dụng học, báo chí là tài liệu mang tính xác thực và tính giá trị cao mà giáo viên có thể sử dụng như là nguồn tư liệu để thảo luận trong lớp học theo đề tài thực tế xảy ra. Giáo trình chính thống được sử dung trong nhà trường có thể có những vấn đề không còn phù hợp lắm so với thời cuộc, mối quan tâm, trình độ, hoặc kinh nghiệm của người học nữa. Lúc này báo chí sẽ được chọn để hỗ trợ hoặc thay thế nhằm làm cho người học liên hệ cái được học, được đọc với thực tế cuộc sống của mình thông qua ngoại ngữ. Vì vậy, việc học và sử dụng ngoại ngữ trở nên có lý do và có ý nghĩa hơn. Cuối cùng, đọc báo bằng ngôn ngữ mà mình đang học sẽ giúp trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đó. Người học sẽ tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài cả về sự đa dạng chủ đề cũng như tính phức tạp của sự việc xảy ra. Điều đó sẽ giúp người học hình thành những thế giới quan khác nhau. Khi vấn đề nào đó được đề cập, người học sẽ có đủ tự tin cả về tư duy suy luận và tư duy ngôn ngữ sử dụng để trình bày điều cần diễn đạt. 3. Lợi ích từ việc sử dụng báo chí như tài liệu hỗ trợ việc dạy và học ở khoa tiếng Anh. 3.1. Đối với sinh viên Sinh viên được rèn các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết ngay từ năm đầu tiên của bậc học đại học thông qua các giáo trình được biên soạn có chọn lọc. Các chủ đề thực hành đa dạng phong phú, tuy nhiên để tăng tính hiệu quả của việc sử dụng tiếng Anh thì báo chí sẽ đóng góp một phần không nhỏ. Bất chấp lợi ích của báo chí cho việc học để trau dồi kiến thực và học ngoại ngữ, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng nhiều sinh viên không có thói quen đọc báo. Nếu sử dụng báo chí hỗ trợ cùng với giáo trình thì sinh viên sẽ có cơ hội làm quen với việc đọc báo bằng tiếng Anh từ các nguồn báo chí khác nhau. Ngoài việc mở rộng tầm nhìn về thế giới xung quanh, cập nhật tin tức trong và ngoài nước, sinh viên còn nâng cao được vốn từ vựng, các thể loại văn phong khác nhau và cách dùng từ diễn đạt ý. Thiết nghĩ tất cả các tài liệu tiếng Anh được biên soạn cũng không ngoài mục đích này, tuy nhiên báo chí hơn hẳn ở việc đưa tin thiết thực hàng ngày mà sinh viên có thể quan tâm, biết đến thông qua các báo đài bằng tiếng mẹ đẻ. Chính vì lý do này mà kỹ năng sử dụng ngôn ngữ sẽ được khắc sâu hơn. Bên cạnh đó, việc học các kỹ năng tiếng Anh ở hai năm đầu của sinh viên nếu đươc hỗ trợ bằng tư liệu từ báo chí sẽ tạo nền tảng rất tốt cho việc học các môn học khác ở các năm sau như Biên-Phiên dịch, Đất nước học, Văn hóa … Không gì hơn bằng sự tự tin sử dụng tiếng Anh khi mà người học có vốn kiến thức sâu rộng và kỹ năng ngôn ngữ chắc chắn. 3.2. Đối với giáo viên Là giáo viên, chúng ta luôn không ngừng tìm kiếm những phương pháp sáng tạo và thú vị để khai thác bài giảng của mình. Kết hợp với giáo trình, việc sử dụng báo chí trong bài dạy sẽ giúp cho giáo viên tạo ra bầu không khí lớp học sinh động với những thông tin 80
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 cập nhật hơn so với những bài học thông thường trong sách. Bên cạnh đó, sử dụng báo chí trong lớp học sẽ tăng cường sự tương tác giữa người học và người học, giữa người học với giáo viên. Hơn nữa, nếu được sử dụng linh động thì báo chí sẽ giúp giáo viên dạy và củng cố những kỹ năng ngôn ngữ khác nhau cho sinh viên. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, việc sử dụng báo chí trong giảng dạy tiếng Anh làm cho giáo viên trở nên năng động hơn với vốn kiến thức và năng lực ngôn ngữ ngày càng được trau dồi. 4. Một số gợi ý về các hoạt động thực hành sử dụng báo chi như tài liệu hỗ trợ giáo trình 4.1. Phát triển năng lực ngôn ngữ - Từ vựng: Khai thác từ ngữ mới từ ngữ cảnh, tra nghĩa trong từ điển. - Kỹ năng Đọc hiểu: Phát triển kỹ năng đọc hiểu, suy luận, tìm ý chính, tóm tắt, thực hành các dạng bài tập như kết hợp, điền từ vào chỗ trống, câu hỏi lựa chọn… - Kỹ năng Viết: Tìm hiểu các thể loại văn phong khác nhau – bàn luận, quảng cáo, miêu tả, tường thuật,…, cách sử dụng cấu trúc câu, dùng từ, thời gian,…. - Kỹ năng Nói: Mở rộng chủ đề trong giáo trình, kích thích thảo luận hoặc trình bày đề tài dựa vào các bài báo, - Kỹ năng Nghe: Nghe hiểu nội dung từ loại hình báo tiếng để có thể thảo luận hoặc viết bài ở hoạt động sau nghe. - Khả năng tư duy sáng tạo và nhận xét: Khuyến khích hình thành ý kiến cá nhân. bình luận, nhận xét, liên hệ thực tế, suy luận nguyên nhân, kết quả của hiện tượng xảy ra. 4.2. Một số gợi ý hoạt động trong lớp học - Khai thác mẩu tin trên báo theo các dạng bài tập từ vựng để dạy tử mới, đoán nghĩa theo ngữ cảnh, định nghĩa các thuật ngữ, đối chiếu nghĩa sử dụng với từ điển. - Chọn trước chủ đề và yêu cầu sinh viên tìm các bài báo có liên quan để làm bài tập theo hình thức cá nhân hoặc nhóm dưới dạng bài tóm tắt, tường thuật lại những chi tiết thú vị gây ấn tượng đối với người đọc, nêu ý kiến cá nhân, bàn luận, trình bày trước lớp. Hình thức này có thể được sử dụng như homework. - Chọn bài báo thích hợp với chủ đề bài học, yêu cầu các nhóm thảo luận theo các gợi ý có sẵn. Phần trình bày trước lớp sẽ được phát triển bằng các câu hỏi thảo luận mở rộng. - Sinh viên có thể làm việc theo cặp đôi thảo luận hoặc đóng vai phỏng vấn nhau về một mẩu tin trên báo. - Yêu cầu sinh viên dùng từ ngữ của mình để viết lại một mẩu tin trên báo, hoặc thực hành viết thư, viết mẩu quảng cáo cho báo. - Sử dụng các tiêu đề bài báo để sinh viên suy luận nội dung được đề cập. - Thu thập các bức ảnh từ báo chí và yêu cầu sinh viên viết hoặc nói về các nhân vật hoặc sự kiện xảy ra. - Việc khai thác chủ đề bài báo có thể linh động tùy theo chủ đề bài học trong 81
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 giáo trình. Chẳng hạn, với mẩu tin tức về lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, tùy tình huống sử dụng cho chủ đề Festivals, Holidays, Celebration., hoặc Learning History. Tin tức về việc giải cứu những người thợ mỏ ở Chile cũng là tư liệu rất sống động để thực hành chủ đề về Jobs, Disasters, Creativity, Success, The Media, hoặc Be Confident. - Các hoạt động thực hành được thiết kế theo mục đích sử dụng bài báo, theo các kỹ năng. Breaking News English Lessons: ESL Plans Teaching Current Events [3] sẽ là nguồn tài liệu tham khảo phong phú giúp cho giáo viên khai thác các hoạt động dạy theo các kỹ năng dựa trên tin tức báo chí cập nhật nhất. 4.3. Những vấn đề cần quan tâm - Việc đọc báo giấy hay báo mạng bằng tiếng Anh có thể làm cho sinh viên cảm thấy khó khăn về từ vựng, cấu trúc, ngữ cảnh, đặc biệt đối với sinh viên năm thứ nhất. Tuy nhiên, người viết nghĩ rằng những thách thức đó là cần thiết trong việc lĩnh hội một ngoại ngữ. - Việc để cho sinh viên chọn bài báo tùy theo mối quan tâm cá nhân thật sự có ý nghĩa đối với người sử dụng, nhưng phải được hướng dẫn của giáo viên để tránh những bài báo quá đơn giản chỉ miêu tả không mang tính bàn luận. - Để bảo đảm tính cập nhật của thông tin bài báo, giáo viên cần phải giới hạn những số báo ấn hành trong những tháng gần đây. Những tin tức mới bao giờ cũng có tính thời sự nhất định gây sự quan tâm chú ý của nhiều người. - Giáo viên cũng nên lưu ý vấn đề bản quyền với sinh viên khi sử dụng các bài báo. 5. Kết luận Tầm quan trọng của báo chí trong cuộc sống hàng ngày chắc chắn sẽ không loại trừ những ảnh hưởng tốt của nó đến việc học ngoại ngữ. Việc tiếp cận báo chí tiếng Anh để học và dạy tiếng Anh như tài liệu phụ trợ song song với giáo trình chính thống hy vọng sẽ mang lại những thay đổi theo hướng tích cực. Nếu sử dụng tư liệu từ báo chí để hỗ trợ cho việc dạy kỹ năng tiếng Anh người giáo viên sẽ phải đầu tư nhiều về mặt thời gian và công sức, tuy nhiên người viết tin rằng đó là sự đầu tư xứng đáng vì những lợi ích mà báo chí mang lại cho cả người học và người dạy. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Porter, J. B (1983), Newspapers: A Terrific Teaching Tool, Early Years, November 26-27 [2] Sanderson, P. (1999), Using Newspapers in the classroom, Cambridge: CUP. [3] Breaking News English Lessons: ESL Plans Teaching Current Events http://www.breakingnewsenglish.com/ [4] BBC News http://news.bbc.co.uk/ [5] Voice of America http://www.voanews.com/ [6] World Newspapers http://www.onlinenewspapers.com/ [7] World Newspapers http://www.world-newspapers.com/ 82
nguon tai.lieu . vn