Xem mẫu

  1. Từ vụ án Lã Văn Ba - Bàn thêm về điểm k khoản 1 Điều 104 và Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 TRỊNH TIẾN VIỆT Khoa Luật ĐHQG Hà Nội I. NỘI DUNG VỤ ÁN Nội dung vụ án được đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 9/2001 của tác giả Võ Tề – Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng. Chúng tôi xin tóm tắt lại nội dung như sau: Thực hiện thông báo của UBND xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ngày 7-6-1995 Công an xã Thanh Lương đã giao nhiệm vụ cho tổ bảo vệ gồm: Lê Đăng Thông, Lê Đăng Huân, Đinh Văn Tạch và Đỗ Văn Ngô do anh Lê Đăng Thông làm tổ trưởng, trông coi đồng lúa và hoa màu của xã. Khoảng 10 giờ cùng ngày, tổ bảo vệ phát hiện Lã Văn Ba thả 500 con vịt vào khu ruộng lúa chín của
  2. thôn. Tổ bảo vệ yêu cầu Lã Văn Ba lùa đàn vịt về trụ sở UBND xã Thanh Lương để giải quyết. Khi đến ngõ nhà anh Khúc Văn Nhâm thì đàn vịt chạy vào sân nhà anh Nhâm. Anh Đỗ Văn Ngô dùng cây thuốc lào vụt xuống sân để đuổi đàn vịt ra khỏi sân, vịt sợ chạy xô đẩy lên nhau, thấy vậy ông Lã Văn Hóa (chú ruột của Lã Văn Ba) đang đứng ở ngõ đã túm cổ áo anh Thông chửi bới, gây sự. Còn Lã Văn Ba chạy lại giữ tay anh Ngô. Anh Ngô gạt tay ra, không may va vào cổ Ba, lập tức Lã Văn Ba đấm vào mặt anh Ngô. Anh Thông thấy vậy chạy đến thì Lã Văn Ba lùi lại dùng thanh sắt dài khoảng 50cm vụt vào lưng anh Ngô hai cái. Anh Thông giữ tay Ba thì bị Ba vụt vào tay nhưng không gây thương tích. Ngay sau đó mọi người can ngăn, giằng được thanh sắt vứt đi. Ba chạy về nhà và trốn khỏi địa phương, sau đó đã đến cơ quan Công an tự thú. II. QUAN ĐIỂM ĐÁNH GIÁ
  3. Tác giả bài viết có đưa ra hai quan điểm khác nhau xung quanh vụ án này. Quan điểm thứ nhất đồng tình với bản án hình sự sơ thẩm số 07 ngày 20-2-2001 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Bảo cho rằng Lã Văn Ba phạm tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999. Quan điểm thứ hai lại cho rằng Lã Văn Ba phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trường hợp để cản trở người thi hành công vụ” quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999. Chúng tôi cho rằng Lã Văn Ba phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trường hợp để cản trở người thi hành công vụ” với lập luận như sau: Trên thực tế, một số tội phạm có các dấu hiệu hành vi khách quan tương tự nhau nên ranh giới để phân biệt tội này hay tội kia còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những trường hợp cần phân biệt giữa hành vi phạm tội của tội này với hành vi phạm tội của tội
  4. khác nhưng thuộc trường hợp có tình tiết định khung hình phạt. Do vậy, việc định tội danh trong những trường hợp đó và đặc biệt trong từng trường hợp cụ thể chúng ta cần xem xét khách quan và toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án mới có thể đảm bảo định tội danh chính xác được. Cụ thể ở đây để phân biệt hành vi phạm tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 257 và hành vi phạm tội “Cố ý gây thương tích để cản trở người đang thi hành công vụ” quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 không phải trường hợp nào cũng dễ dàng. Mặc dù hai tội danh này được quy định tại hai điều luật khách nhau nhưng trong trường hợp người phạm tội sử dụng vũ lực để chống đối, cản trở hoặc không tuân lệnh người thi hành công vụ thì chúng có sự trùng lặp về chủ thể và sự thể hiện hành vi phạm tội ra bên ngoài. Do đó, theo chúng tôi chỉ có thể phân biệt sự khác nhau trong trường hợp cụ thể trên ở chỗ người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho
  5. xã hội đã gây ra hậu quả – thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho nạn nhân hay chưa. Bởi vì theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì điều luật này đã bao quát xử lý tất cả các hành vi sử dụng vũ lực để chống đối hay cản trở người đang thi hành công vụ nếu người phạm tội sử dụng vũ lực và hậu quả gây ra làm người thi hành công vụ bị thương tích và tỷ lệ thương tật (tổn hại sức khỏe) từ 1% đến dưới 11%. Còn theo quy định tại Điều 257 thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người đó có hành vi sử dụng vũ lực nhưng không (hoặc chưa) gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe cho người thi hành công vụ. Như vậy, ở đây yêu cầu cần thiết là chúng ta cần xác định được hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác… của người phạm tội phải không thuộc các trường hợp được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 và điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999. Nếu hành vi chống
  6. người đang thi hành công vụ gây thương tích hoặc làm chết người đang thi hành công vụ thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người trong trường hợp “giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” (điểm d khoản 1 Điều 39) hoặc về tội cố ý gây thương tích trong trường hợp “để cản trở người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” (điểm k khoản 1 Điều 104). Đối chiếu với nội dung vụ án trên, chúng tôi nhận thấy khi tổ bảo vệ của xã Thanh Lương đang làm nhiệm vụ trông coi đồng lúa và hoa màu của xã thì phát hiện Lã Văn Ba thả 500 con vịt vào khu ruộng lúa chín của thôn nên tổ bảo vệ đã yêu cầu Lã Văn Ba lùa đàn vịt về trụ sở UBND xã Thanh Lương để giải quyết. Lúc này, do nhận thức việc mình thả đàn vịt vào khu ruộng lúa chín là vi phạm các quy định của địa phương (ở đây là xã Thanh Lương), nên Lã Văn
  7. Ba đồng ý và chấp hành việc lùa đàn vịt về trụ sở UBND xã theo đúng yêu cầu. Trong khi thực hiện yêu cầu của tổ bảo vệ, Lã Văn Ba không có bất kỳ hành vi nào thể hiện sự chống đối hay cản trở tổ bảo vệ của xã thực thi nhiệm vụ, chức trách của mình. Mâu thuẫn chỉ xảy ra trên đường lùa đàn vịt về trụ sở UBND xã, khi đến ngõ nhà anh Khúc Văn Nhâm thì đàn vịt chạy ùa vào sân nhà anh Nhâm. Thấy vậy, anh Đỗ Văn Ngô (thành viên tổ bảo vệ) bèn dùng cây thuốc lào vụt xuống sân với mục đích để xua đàn vịt ra khỏi sân và đàn vịt sợ chạy xô đẩy lên nhau. Sự việc này làm cho ông Lã Văn Hóa (chú ruột của Lã Văn Ba) đang đứng ở ngõ thấy vậy bèn túm cổ áo anh Thông chửi bới, gây sự. Còn Lã Văn Ba thấy anh Ngô dùng cây thuốc lào để đuổi đàn vịt thì chạy lại giữ tay anh Ngô nên anh Ngô gạt tay ra, không may va vào cổ Ba, lập tức Ba đấm luôn vào mặt. Anh Thông thấy vậy chạy đến thì Ba lùi lại dùng thanh sắt dài khoảng 50cm vụt vào lưng anh Ngô hai cái. Như
  8. vậy, nguyên nhân chính khiến Ba bực tức, nổi nóng và hành động như vậy là do anh Ngô gạt tay va vào cổ Ba khi y đang giữ tay anh. Ba không có hành vi chống đối hay cản trở anh Ngô thi hành công vụ được giao là yêu cầu Ba lùa đàn vịt về UBND xã. Giả sử trường hợp nếu Ba có ý định chống đối thì ngay từ lúc tổ bảo vệ yêu cầu Ba lùa đàn vịt về trụ sở UBND xã, y hoàn toàn có thể chống đối hoặc cản trở – không tuân theo mệnh lệnh của tổ bảo vệ. Mặt khác, xem xét toàn bộ các sự việc từ lúc tổ bảo vệ đi tuần tra phát hiện và yêu cầu Ba lùa đàn vịt về trụ sở của xã để giải quyết cho đến khi xảy ra mâu thuẫn – đánh nhau giữa anh Ba và anh Ngô, chúng tôi cũng nhận thấy trong ý thức và sự thể hiện của hành vi ra bên ngoài của Ba không có bất kỳ dấu hiệu nào để chống đối, cản trở người thi hành công vụ. Xuất phát từ sự bực tức vì bị gạt tay va vào cổ nên Ba mới gây thương tích cho anh Ngô ở mặt, thương tích làm
  9. giảm 10% sức lao động. Mục đích của Ba là sử dụng vũ lực để gây thương tích chứ không phải để cản trở, chống trả, không tuân theo lệnh… anh Ngô – người đang thi hành công vụ. Như vậy, đối chiếu nội dung vụ án với những quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng cần truy tố, xét xử Lã Văn Ba về tội cố ý gây thương tích để cản trở người thi hành công vụ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. III. BÀN THÊM VỀ ĐIỂM K KHOẢN 1 ĐIỀU 104 VÀ ĐIỀU 257 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 Nhân tiện từ vụ án thực tế mà tác giả Võ Tề đưa ra, chúng tôi cũng xin trao đổi thêm về điểm k khoản 1 Điều 104 và Điều 257 trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, về vấn đề khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại thì Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta quy định “1. Những vụ án về các tội
  10. phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131, 171 Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. 2. Trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa thì vụ án phải được đình chỉ”. Như vậy, theo quy định của Điều luật này thì khoản 1 Điều 104 – tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là một trong số các tội phạm chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại và chỉ người bị hại mới có quyền rút đơn yêu cầu khởi tố. Nếu họ rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa thì vụ án phải được đình chỉ. Còn Điều 257 – tội chống người thi hành công vụ là tội phạm mà người bị hại lại không có quyền này. Theo chúng tôi, sở dĩ pháp luật tố tụng hình sự nước ta quy định như vậy bởi các trường hợp này mang ý nghĩa pháp lý- xã hội không giống nhau. Ở trường hợp thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bị hại có quyền làm đơn yêu cầu khởi tố và có quyền
  11. rút đơn nhằm mục đích động viên, khuyến khích các công dân tự hòa giải, tự thu xếp, dàn hòa ổn thỏa, đồng thời tạo quan hệ đoàn kết, thân ái giữa các công dân với nhau khi xảy ra mâu thuẫn. Tương tự như vậy, trường hợp thứ hai thì quyền này không thể có được giữa một công dân bất kỳ nào đó với một công dân khác – đại diện cho cơ quan, tổ chức, đại diện cho công quyền. Trở lại vấn đề trên, chúng tôi thấy rằng hành vi phạm tội quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 ngoài trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của người khác còn đồng thời gây cản trở cho hoạt động bình thường, đúng đắn và làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức. Giả sử cũng trong vụ án trên, nếu anh Đỗ Văn Ngô rút đơn yêu cầu truy tố bị cáo Lã Văn Ba thì hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng hình sự – mà nếu như vậy thì chưa hợp lý. Lý do người bị hại (Đỗ Văn Ngô) bị người phạm tội (Lã Văn Ba) cố ý gây thương tích thuộc trường hợp có tình tiết định khung “để cản trở
  12. người thi hành công vụ” mà cũng có quyền rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, nhưng trong khi đó chính anh lại đại diện cho một cơ quan, tổ chức công quyền nào đó (ở vụ án trên là tổ bảo vệ của xã Thanh Lương) đang thực hiện hoạt động công vụ, hoạt động đúng đắn đã được cơ quan, tổ chức giao cho. Theo chúng tôi hiểu nếu người bị hại đại diện cho một cơ quan, tổ chức công quyền nào đó cũng có quyền rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án có lẽ chưa thể hiện đúng và phù hợp với bản chất nội dung quy định của Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự về “khởi tố vụ án hình sự theo quyền yêu cầu của người bị hại”. Chúng tôi xin kết thúc bài viết này và mong sự trao đổi, đồng thời cũng đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi quy định về vấn đề trên cho phù hợp hơn nhằm đảm bảo xử lý tội phạm và người phạm tội được công bằng, chính xác, có căn cứ và đúng pháp luật.
nguon tai.lieu . vn